Diễn Đàn Bình Luận Và Trao Đổi Học Tập

Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Diễn Đàn Bình Luận Và Trao Đổi Học Tập

CÔNG NGHỆ HÓA HỌC - DẦU KHÍ - KHOA HỌC & QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG

Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel Banner10

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel

    Admin
    Admin
    Nguyên soái
    Nguyên soái


    Tổng số bài gửi : 392
    Tham gia diễn đàn : 26/04/2010
    Đến từ : Chưa cập nhật
    Nghề nghiệp : Chưa cập nhật
    Chuyên ngành : Chưa cập nhật

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel Empty Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel

    Bài gửi by Admin Sat Jun 05, 2010 11:52 am

    Ngày nay ô tô chạy bằng Diesel ngày càng được sử dụng rộng rãi hơn so với trước đây, nhờ vào ưu thế vượt trội về công suất động cơ và tính kinh tế. Nhưng bên cạnh đó còn một vài nhược điểm hạn chế, mà một trong số đó là việc xử lý khí thải từ động cơ Diesel, đặc biệt là suie. Suie là một hợp chất khá phức tạp từ cấu tạo cho đến quá trình hình thành. Và nó là đề tài cho rất nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới cho đến ngày nay. Việc hiểu rõ cấu trúc và quá trình hình thành của suie có vai trò quan trọng trong việc tìm ra phương pháp tối ưu để xử lý. Người ta đã đề ra nhiều phương pháp khử suie, mỗi phương pháp đều có những ưu và nhược điểm riêng. Trong đó việc xử lý suie bẳng xúc tác là ý tưởng tối ưu nhất, và đã được ứng dụng nhiều, nhưng liệu phương pháp này đã tối ưu chưa, còn tồn tại những nhược điểm nào. Bài viết này sẽ giới thiệu một phần nào về đề tài đó ...Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel 3L0.11916185_64168_1

    1. Ô nhiễm khí thải : tổng quan

    Ô nhiễm không khí là hậu quả từ các hoạt động của cuộc sống hiện đại như : sự gia tăng tiêu thụ năng lượng, sự phát triển của các ngành công nghiệp mũi nhọn : công nghiệp luyện kim, hóa học, giao thông đường bộ và hàng không, v.v. Ô nhiễm có nguồn gốc từ ba nguồn chính : nguồn gốc thiên nhiên (thực vật, đất), nguồn gốc cố định (sưởi ấm gia đình, sản xuất điện, công nghiệp), và giao thông. Trong đó, ôtô và các phương tiện vận chuyển là một phần nguyên nhân của tình trạng mô trường ô nhiễm như ngày nay.

    Các hợp chất ô nhiễm chính trong khí thải có thể chia làm hai nhóm : khí và hạt rắn. Người ta phân biệt các chất ô nhiễm sơ cấp được thải ra từ các nguồn xác định (CO, HC,…) với các chất ô nhiễm thứ cấp (O3, …) được sản sinh ra từ các phản ứng giữa các chất ô nhiễm sơ cấp với nhau dưới tác động của điều kiện môi trường như bức xạ mặt trời.

    Nhìn chung chất gây ô nhiễm môi trường thải ra từ động cơ gồm các chất sau :

    * Dioxyde de carbone (CO2), sản phẩm của quá trình oxi hóa hoàn toàn nhiên liệu

    * Monoxyde de carbone (CO), đến từ quá trình oxi hóa không hoàn toàn nhiên liệu

    * Oxyde d’azote (NOx), bao gồm monoxyde d’azote (NO) và dioxyde d'azote (NO2).

    * Các hạt rắn, sản phẩm của các quá trình hình thành phức tạp.

    * Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (COV-composés organiques volatils), là các hợp chất hóa học hữu cơ có áp suất hơi đủ cao để dưới các điều kiện bình thường có thể bay hơi một lượng đáng kể vào không khí. Về thành phần COV là sự kết hợp giữa các hydrocarbure (như alcane, alcène, aromatique, …) và các hợp chất chứa oxi (aldéhyde, kétone, …).

    * Các hợp chất hữu cơ đa vòng (hydrocarbures aromatiques polycycliques – HAP), như benzoapyrene

    * Dioxyde de sulfure (SO2), hình thành từ lưu huỳnh có sẵn trong nhiên liệu.

    * Các kim loại, có trong dầu và nhiên liệu.

    Những chất ô nhiễm này thải ra môi trường sẽ dẫn đến rất nhiều ảnh hưởng tai hại cho sức khỏe và môi trường. Một vài chất trong đó sẽ góp phần hình thành sương mù trong đô thị (brouillards urbains), mưa acide từ SO2 và NOx. Trong đó NOx và VOCs là nguyên nhân gây ra các phản ứng khác nhau dẫn đến sự hình thành ozone ở tầng đối lưu của khí quyển. Các hydrocarbon chưa cháy gây ra bệnh ung thư, còn các hạt rắn, đặc biệt là các hạt rắn nhỏ, rất nguy hiểm cho sức khỏe, vì nó có thể đi vào trong phổi, gây ra các bệnh về hô hấp.

    2. Ô nhiễm khí thải động cơ Diesel

    2.1. Lịch sử động cơ Diesel

    Rudolf Diesel, kĩ sư người Đức, là người đầu tiên nghiên cứu việc ứng dụng một loại động cơ đốt trong hoạt động với các loại nhiên liệu nặng, mà ngày nay được biết đến với tên động cơ Diesel. Nghiên cứu của ông đã được đăng kí bằng phát minh vào năm 1982 ở Berlin với tên gọi “Lý thuyết và cấu tạo của động cơ nhiệt thuần lý”. Động cơ trong phiên bản cuối cùng, sau đó đã được giới thiệu trước công chúng vào năm 1987. Thành công đã đến ngay lập tức, và vào năm 1990, tại cuộc triển lãm quốc tế ở Paris, buổi trình bày của ông đã đưa động cơ Diesel nổi tiếng ở phạm vi toàn cầu.

    Hơn một thế kỉ sau, ôtô đã chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc sống thường nhật của hàng triệu người. Và ngày nay, sự phát triển như vũ bão của ngành vận chuyển đường bộ sẽ củng cố thành công hiện tại của động cơ Diesel.

    2.2. So sánh giữa động cơ Diesel và động cơ xăng

    Nếu quá trình vận hành của chu kì 4 thì trong động cơ Diesel chỉ hơi khác so với động cơ cháy cưỡng bức (động cơ xăng), thì điều kiện cháy của hai loại động cơ này lại rất khác nhau. Chu kì của động cơ Diesel gồm 4 giai đoạn: nạp/ nén/ nổ, giãn nở sinh công/ xả (H. 1).


    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel 3L0.11916263_64168_1
    Hình 1: Chu kì 4 thì của động cơ Diesel.
    1. Nạp khí; 2. Nén; 3. Nổ và giãn nở; 4. Xả

    Không như trong động cơ cháy cưỡng bức – hỗn hợp nhiên liệu và không khí được hòa trộn đều trước khi nạp vào cylindre, ở động cơ Diesel chỉ có không khí được nạp vào cylindre động cơ ở pha nạp. Sau đó ở pha nén, không khí bị nén ở áp suất cao làm nhiệt độ khí tăng theo, nhiệt độ khí thu được sẽ cao hơn nhiệt độ tự cháy (auto-inflammation) của nhiên liệu sử dụng. Đến cuối chu kì nén, gazole được phun vào cylindre ở dạng những hạt sương nhỏ; nhiên liệu hoặc sẽ được phun trực tiếp vào buồng cháy (injection directe), hoặc được phun vào một buồng hòa trộn trước nhằm cải thiện quá trình cháy của nhiên liệu khi tiếp xúc với không khí nóng (injection indirecte). Không khí nóng sẽ hòa trộn với nhiên liệu phun vào, gia nhiệt và hóa hơi nhiên liệu. Quá trình cháy sau đó diễn ra rất nhanh, áp suất tăng nhanh và có thể đến cực đại (60 bar đến 100 bar). Không khí ở thời điểm này rất nóng (2000 đến 3000 °C). Áp suất và nhiệt độ cùng tăng.

    Động cơ Diesel vận hành với khoảng dư oxygen rộng (large axcès d’oxygène), trái ngược với trường hợp động cơ xăng, ở đấy hỗn hợp carburant/comburant gần với điều kiện tỷ lượng (stoechiométrie). Cũng cần chú ý rằng nhiệt độ khí thải của động cơ Diesel chỉ ở khoảng 150 đến 500 °C, nhưng ở động cơ xăng khoảng nhiệt độ này cao hơn hẳn (600 đến 800 °C).

    Nhưng sự khác nhau chủ yếu của hai loại động cơ này nằm ở phương thức đánh cháy nhiên liệu (mode d’imflammation du carburant). Đối với động cơ Diesel, khi nhiên liệu được phun vào ở dạng sương, quá trình cháy bắt đầu bằng sự tự bốc cháy của hỗn hợp nhiên liệu. Nhưng với động cơ xăng, quá trình cháy được tạo một cách cưỡng bức bởi tia lửa điện của bougie. Do đó, quá trình cháy trong động cơ Diesel là quá trình cháy dị thể hơn. Cơ chế chảy rối giữa nhiên liệu và không khí làm cho nồng độ của các cấu tử hóa học và nhiệt độ trong buồng cháy không đồng nhất. Sự không đồng nhất này là nguồn gốc của sự hình thành NOx trong các vùng có nhiệt độ rất cao, và hình thành suie trong các vùng thiếu oxygen.

    Tuy nhiên động cơ Diesel có nhiều ưu điểm so với động cơ xăng, như:

    * Thải ra CO2 ít hơn khoảng 25%, góp phần hạn chế hiệu ứng nhà kính.

    * Hiệu suất cháy tốt hơn, thải ra ít HC không cháy và ít CO hơn.

    * Tuổi thọ động cơ cao hơn.

    Tuy nhiên ở mức độ ô nhiễm môi trường, động cơ Diesel thải ra các hạt rắn độc hại cho sức khỏe và NOx.

    2.3. Ô nhiễm từ động cơ Diesel

    2.3.1. Thành phần khí thải từ động cơ Diesel

    Động cơ Diesel chuyển đổi năng lượng hóa học (carburant, gazole) thành năng lượng cơ học. Gazole là hỗn hợp của các hydrocarbure mà trong quá trình cháy lý tưởng, nó chỉ sinh ra CO2 và H2O. Trong thực tế người ta quan sát thấy một vài sản phẩm khí và rắn khác. Điều này liên quan một phần đến sự có mặt của các tạp chất chứa trong các HC (như các hợp chất chứa lưu huỳnh), và mặt khác liên quan đến sự phức tạp của các phản ứng hóa học xảy ra trong quá trình cháy. Bảng 1 sau giới thiệu thành phần điển hình của khí thải động cơ Diesel:

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel TL0.11916724_64168_1
    Bảng 1: Thành phần cơ bản của khí thải động cơ Diesel.

    2.3.2. Cơ chế hình thành suie

    Trong động cơ Diesel, nhiên liệu được phun vào buồng cháy ở dạng sương. Quá trình cháy được khơi mào bằng sự tự bốc cháy của nhiên liệu. Điều này đã tạo ra quá trình cháy dị thể; và nó là nguồn gốc của sự hình thành các hạt suie trong các vùng thiếu oxygen. Thuật ngữ suie chỉ một loại vật liệu hóa than (matériau carboné) hình thành từ quá trình cháy của nhiên liệu trong điều kiện giàu nhiên liệu (thiếu oxygen). Các hạt suie này sẽ tự kết hợp với nhau trong ống xả để hình thành các agrégat. Cuối cùng khi khí thải được làm mát, các hydrocarbon và sulphate sẽ hấp thụ lên các agrégats suie. Như vậy, suie Diesel sẽ gồm một lớp vật liệu rắn hóa than sinh ra từ quá trình cháy, và trên đấy là các hợp chất hữu cơ khác nhau hấp thụ lên (SOF: Solube Organic Fraction).

    Hiện nay cơ chế hình thành suie từ quá trình cháy trong động cơ Diesel vẫn còn gây nhiều tranh cãi, vì nó liên quan đến các hiện tượng ít có tính tái lập (phénomènes peu reproductibles), lại xảy ra ở nhiệt độ cao, áp suất lớn, và với một loại nhiên liệu có thành phần phức tạp, trong một hỗn hợp chảy rối (mélange turbulent). Tuy nhiên một cách tổng quan ta có thể xem quá trình hình thành suie xảy ra qua 4 giai đoạn:

    * Giai đoạn 1: Hình thành các hợp chất trung gian (vd: éthylène, …) từ quá trình pyrolyse nhiên liệu. Ethylène sẽ được polymer hóa và hình thành các cấu trúc đa vòng, hay chính xác hơn là các cấu trúc turbostratique. Cấu trúc turbostratique là các chồng đồng tâm của các vòng 6 carbon được sắp xếp một cách bất kì.

    * Giai đoạn 2: Phát triển nhân, và tạo thành các hạt rắn đầu tiên. Các hạt này có hình cầu, và bán kính từ 1 đến 2 nm.

    * Giai đoạn 3: Kết tụ của các hạt rắn ở trên (các hạt rắn kết dính với nhau và hình thành hạt rắn lớn hơn), cho đến khi hình thành các khối cầu có kích thước khoảng 10 – 30 nm. Đến đây có thể gọi các hạt này là hạt suie sơ cấp.

    * Giai đoạn 4: Sự kết tụ của các hạt suie sơ cấp tạo thành các agrégat. Agrégat thu được có kích thước lên đến hàng trăm nm.

    Các giai đoạn hình thành suie Diesel được mô tả trong Hình 2 sau:

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel SC0.11916672_64168_1
    Hình 2: Cơ chế hình thành suie.
    1. Hình thành các hợp chất trung gian; 2. Phát triển nhân (nucléation); 3. Sự đông tụ các hạt rắn; 4. Kết tụ suie sơ cấp thành agrégat.

    2.3.3. Cấu trúc suie Diesel

    Suie Diesel được tạo thành từ nhiều hạt rắn có kích thước khoảng 0,3 mm. Các hạt rắn này lại được tạo thành từ các hạt carbone nhỏ hơn có bán kính khoảng 10 – 60 nm liên kết lại với nhau thành dạng chuỗi hay agrégat, có hình thù « kết túm » (floconneux) đặc trưng, và có thể coi hạt suie Diesel là một hỗn hợp của các cấu tử hữu cơ và vô cơ (Hình 3).


    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel CS0.11916749_64168_1
    Hình 3 : Cấu trúc agrégat của hạt suie và các hợp chất hấp thụ.

    Suie được tạo nên từ một pha rắn ở tâm và một pha ngưng tụ trên bề mặt. Tâm của suie là than carbone, pha ngưng tụ thực chất là các chất hữu cơ gồm các hydrocarbon ngưng tụ trong pha lỏng trên bề mặt (SOF) và các sufates.

    Các sulfates trong khí thải động cơ Diesel có nguồn gốc từ các chất hữu cơ chứa lưu huỳnh trong nhiên liệu. Khi nhiên liệu cháy, lưu huỳnh trong các hợp chất hóa học này chuyển thành SO2, và sau đấy một phần (khoảng 2%) sẽ bị oxi hóa thành SO3. SO3 sau đó sẽ phản ứng với nước để tạo thành các giọt lỏng acide sulfurique.

    2.3.4. Ảnh hưởng của hạt rắn suie lên môi trường và sức khỏe.

    Các hạt suie thải ra từ động cơ Diesel có ảnh hưởng xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người. Thực vậy, các hạt rắn này góp phần tạo thành các đám bụi lơ lửng trong môi trường đô thị. Kích thước của hạt suie đóng một vai trò quan trọng. Hạt càng nhỏ, chúng càng lơ lửng lâu trong không khí, và khi đi vào phổi, thời gian chúng lưu lại càng lâu. Đối với những hạt có đường kính lớn hơn 10 mm, chúng dễ dàng bị đẩy ra khỏi đường hô hấp; các hạt có từ 3 – 10 mm, chúng dễ dàng lưu lại ở khí quản và phế quản; dưới 3 mm, các hạt này có thể thâm nhập vào tận các phế nang của phổi (les alvéoles pulmonaires), và có thể thâm nhập vào máu. Rõ ràng các hạt rắn này là nguồn gốc của các bệnh về hô hấp thường gặp như: hen suyễn, viêm phế quản, và ung thư phổi.

    3. Biện pháp hạn chế thải suie

    3.1. Các qui định hạn chế liên quan đến suie Diesel

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel CS0.11916793_64168_1
    Hình 4 : Giới hạn cho phép về thải hạt rắn đối với động cơ nhẹ theo tiêu chuẩn của châu âu đo theo chu trình ECE 15 + EUDC.

    Ở nhiều nước công nghiệp phát triển, chất thải từ ôtô là chủ đề của nhiều quy định hạn chế ; trong những năm gần đây, khi số lượng chất ô nhiễm ngày càng tăng thì các quy chế hạn chế càng nghiêm ngặt và các quốc gia tham gia tuân thủ càng đông.

    Chuẩn của châu âu hiện nay để đo mức độ thải hạt rắn có hai chu trình : chu trình trong thành thị ECE 15 (Economic Commission for Europe) và chu trình quanh thành thị EUDC (Extra Urban Driving Cycle). Các quy chế trên được đo theo đơn vị g/km và theo chủng loại xe ôtô. Ở châu âu, các mức hạn chế này được gọi chung là EURO.

    Hình 4 trên giới thiệu các giai đoạn giảm thải hạt rắn trong khí thải ôtô loại nhẹ “ light duty vehicles ”. Có thể thấy rằng EURO 4 ra đời năm 2005 đã đặt ra quy định chung cho toàn châu âu để giảm hơn 80% lượng hạt rắn thải ra so với mức yêu cầu của EURO 1 vào năm 1992. Từ đó có thể thấy các tiêu chuẩn về môi trường ngày càng nghiêm ngặt hơn như thế nào. Điều này là cần thiết khi tình hình khí hậu toàn cầu đang xuống cấp trầm trọng như hiện nay. Và từ năm 2005, chỉ những ôtô đạt chuẩn trên mới được phê chuẩn lưu thông.

    3.2. Các công nghệ xứ lý suie

    Người ta đã nghiên cứu nhiều công nghệ lọc suie thải ra từ động cơ Diesel. Một số thiết bị lọc cho kết quả khá tốt như : bộ lọc vách xốp bằng ceramique dạng monolithe (cordiérithe) (Hình 5), vải kim loại (toiles métalliques), hoặc bọt kim loại hoặc ceramique.

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel CS0.11916848_64168_1
    Hình 5 : Bộ lọc vách xốp bằng ceramique dạng monolithe.

    Hệ thống lọc loại này hoạt động một cách bán liên tục. Đầu tiên các hạt rắn không theo khí thải ra ngoài mà bị giữ lại trên bộ lọc, sau đó bộ lọc sẽ được tái sinh bằng cách đốt cháy các hạt rắn tích tụ bằng nhiệt. Do đó điều kiện tiên quyết để ứng dụng công nghệ này là khí thải phải có nhiệt độ cao.

    Nhưng vấn đề đặt ra là nhiệt độ trung bình của khí thải động cơ Diesel khá thấp (khoảng 150 – 500°C) khi so sánh với động cơ xăng (khoảng 600 – 800°C). Người ta đã đo được rằng ở chế độ chạy bình thường trong đô thị, khí thải xe chạy bằng Diesel vào khoảng 240°C ; trong khi nhiệt độ này khi xe chạy trên xa lộ ngoại thành vào khoảng 345°C. Chính vì nhiệt độ thấp như vậy nên việc xử lý suie bằng phương pháp đơn thuần nhiệt là cả một vấn đề. Để giải quyết điều này, người ta đã đề ra phương pháp khử suie bằng xúc tác. Và vai trò xúc tác trong các phương pháp này là để giảm nhiệt độ cháy của suie.

    · Phương pháp nhiệt

    Nguyên tắc cơ bản của phương pháp này là cả bộ lọc và khí thải động cơ sẽ được gia nhiệt đến một nhiệt độ tối thiểu cần thiết để có thế bắt đầu quá trình cháy của hạt rắn. Để nâng nhiệt độ của bộ lọc, người ta có thể dùng một trong các cách sau :

    + Sử dụng năng lượng điện để gia nhiệt nhờ vi sóng (micro-ondes), bằng cách dùng một bộ lọc làm bằng vật liệu bán dẫn, hoặc bằng cách lắp đặt bộ lọc ceramique có dây gia nhiệt.

    + Người ta có thể gia nhiệt bộ lọc bằng một brûleur với hệ thống tự động có hai lớp lọc : khí thải được nạp qua lớp lọc thứ nhất, trong khi đó lớp thứ hai chứa đầy hạt rắn sẽ được tái sinh đồng thời nhờ brûleur.

    Các phương pháp này gặp khá nhiều vấn đề về mặt ứng dụng, như hệ thống choáng nhiều chỗ lắp đặt trên ôtô, và cũng khá đắt.

    · Phương pháp xúc tác

    Mục đích của phương pháp này là giảm nhiệt độ tối thiểu cần thiết cho quá trình đốt cháy suie nhờ sử dụng các xúc tác oxi hóa toàn phần (oxidation totale). Tuy nhiên hiệu quả của các vật liệu này không những phụ thuộc vào hoạt tính oxi hóa của xúc tác, mà còn phụ thuộc vào tính chất tiếp xúc (qualité de contact) của chúng với suie. Sự tiếp xúc của hai pha rắn (suie – catalyseur) càng « chặt », hiệu quả xúc tác càng cao.

    3.3. Các phương pháp khử suie bằng xúc tác

    Ngày nay người ta đều công nhận rằng nếu tiếp xúc giữa xúc tác và suie không « bền chặt » (contact intime intense), hiệu quả của xúc tác trong quá trình cháy suie là không đáng kể. Và những nghiên cứu để đạt được sự tiếp xúc tốt nhất có thể giữa hai pha rắn này đã làm nảy sinh ra hai dạng xúc tác : xúc tác nội (catalyse interne) và xúc tác ngoại (catalyse externe) (Hình 6).

    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel VZ0.11916911_64168_1
    Remarque : MP = métaux précieux et MB = métaux de base
    Hình 6 : Hai phương pháp xúc tác (a,b : xúc tác nội ; c : xúc tác ngoại)

    · Xúc tác nội

    Giải pháp đầu tiên (Hình 5-a) là thêm trực tiếp vào nhiên liệu một lượng rất bé (0,03 đến 0,1 g/l) các phụ gia có nền tảng là các hợp chất cơ kim nhằm cải thiện quá trình cháy trong động cơ. Các phụ gia này đóng vai trò xúc tác vì các kim loại được sinh ra sau khi nhiên liệu cháy (Ni, Cu, Mo, Mn, Zn, Ca, Ba…) [3] sẽ bám trên hạt suie dưới dạng các oxide vô cơ và có hoạt tính xúc tác cao. Các xúc tác này ở trong các hạt rắn và hoàn toàn đảm bảo sự tiếp xúc chặt với suie, tuy nhiên cũng không thể tránh khỏi phụ gia sẽ bám lên bộ lọc. Điều này sẽ làm cho các lỗ xốp của nó bị nghẽn trong một thời gia ngắn.

    Giải pháp thứ hai (Hình 5-b) là thêm phụ gia vào dòng khí thải của động cơ một cách liên tục hoặc gián đoạn. Người ta dùng các đồng phân hữu cơ của đồng (Cu) làm phụ gia. Và nhược điểm của phương pháp này cũng giống như phương pháp thứ nhất.

    · Xúc tác ngoại

    Giải pháp này (Hình 5-c) liên quan đến việc dùng một bộ lọc xúc tác có khả năng giảm nhiệt độ cháy của suie, cũng như có thể đốt một cách liên tục nhằm tránh việc các lỗ xốp của bộ lọc bị bít lại do suie bám lên quá nhiều. Với phương pháp này người ta không phải thêm vào một hệ thống tái sinh phụ, mà nó cũng không ảnh hưởng đến hoạt động của động cơ như các phương pháp thêm phụ gia ở trên.

    Nhưng vấn đề đặt ra với bộ lọc xúc tác là việc đảm bảo tiếp xúc tốt giữa hai pha rắn suie-xúc tác. Hiện nay, đây là nguyên nhân chính cản trở khả năng ứng dụng của phương pháp này vào thực tế, chứ không phải vấn đề hoạt tính của xúc tác không đảm bảo. Tuy nhiên ở phạm vi nghiên cứu người ta đã đề ra rất nhiều dạng xúc tác dùng cho bộ lọc xúc tác. Các xúc tác này có thể là các kim loại hiếm (Ni, Pt, …) [4], các xúc tác đơn (MnOx, La2O3, CeO2, MgO, Fe2O3, Al2O3, VOx) [5-8], hoặc các xúc tác phức tạp hơn đặc biệt là xúc tác dạng pérovskite (chromites [9-11], lanthanides [9], cobaltites [11], manganites [3, 11])

    Trong các nghiên cứu gần đây người ta quan tâm nhiều đến các xúc tác có cấu trúc phức tạp, đặc biệt là xúc tác dựa trên các oxyde dạng pérovskite. Các oxyde đặc biệt này, thường có công thức chung là ABO3, thu hút sự quan tâm ở chỗ người ta có thể tác động vào vị trí A và/hoặc vị trí B để thay thế (riêng phần) bằng một ion của nguyên tố khác.

    Bảng 1 : Hoạt tính xúc tác của các oxyde dạng perovskite
    Ô nhiễm khí thải động cơ diesel và các phương pháp xử lý suie Diesel VZ0.11917057_64168_1

    Ví dụ, bảng trên (Bảng 1) tóm tắt hoạt tính xúc tác của nhiều loại oxyde dạng perovskite đã được nghiên cứu ở phạm vi phòng thí nghiệm. Ở đây hoạt tính của xúc tác được thể hiện bằng nhiệt độ bắt cháy (temperature d’ignition) của suie (Tig) (có thể hiểu nhiệt độ bắt cháy là nhiệt độ tối thiểu cần để bắt đầu quá trình cháy của suie). Nhìn vào bảng này ta có thể thấy hoạt tính của perovskite phụ thuộc nhiều vào cation ở vị trí A và B, và sự thay thế riêng phần bằng các ion kim loại kiềm (đặc biệt là K), hoặc ion kim loại kiềm thổ lên vị trí A. Và ta cũng thấy rằng nhiệt độ bắt cháy của hầu hết các oxyde trên đều nằm trong khoảng từ 240 tới 315°C, hoàn toàn thích hợp với nhiệt độ của khí thải động cơ Diesel (từ 240 đến 345°C – phần 3.2)

    4. Kết luận

    Ngày nay ô nhiễm môi trường ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối với con người. Trong đó một phần không nhỏ nguyên nhân có nguồn gốc từ khí thải động cơ. Động cơ Diesel được công nhận có nhiều ưu thế vượt trội nhưng vẫn tồn tại nhiều nhược điểm ở khía cạnh môi trường, đặc biệt là việc thải suie. Suie Diesel là một hợp chất có cấu trúc phức tạp mà quá trình hình thành của nó vẫn còn là một vấn đề đang nghiên cứu. Việc nắm rõ cấu trúc, đặc điểm, và quá trình hình thành của suie có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu các phương pháp khử suie. Người ta đã và đang nghiên cứu nhiều phương pháp khác nhau để oxy hóa suie, như phương pháp nhiệt, xúc tác, … Nói chung mỗi phương pháp đều có nhưng ưu và nhược điểm nhất định. Trong đó bộ lọc xúc tác có vẻ là một phương pháp tối ưu nhất. Phương pháp này thể hiện nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên việc tái sinh bộ lọc sau một thời gian sử dụng vẫn còn là một vấn đề cần được tiếp tục cải thiện. Và trong các chất xúc tác dùng cho bộ lọc xúc tác, các oxyde dạng perovskite chiếm được nhiều quan tâm vì hoạt tính xúc tác cao, và kinh tế.



    congnghedaukhi

      Hôm nay: Thu Mar 28, 2024 4:40 pm